Tầm soát sức khỏe hay còn được gọi là khám sức khỏe tổng quát là một giải pháp giúp bạn có thể nắm bắt được tất cả các vấn đề sức khỏe đang xảy ra trong cơ thể. Vậy kiểm tra sức khỏe tổng quát bao gồm những mục gì?
Tầm soát sức khỏe là một hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe cách toàn diện nhất, đồng thời chủ động điều trị và phòng ngừa các bệnh lý có thể xảy ra. Đây được xem là một giải pháp giúp phát hiện bệnh tật sớm và chữa khỏi nhiều bệnh lý nghiêm trọng ở những giai đoạn đầu. Điều này giúp tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh và tăng cơ hội sống của người bệnh.
Lợi ích của việc tầm soát sức khỏe định kỳ
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì con người cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe phức tạp và các bệnh lý nguy hiểm. Bên cạnh những bệnh lý cấp tính hoặc tình trạng nhiễm trùng thường gặp thì tỷ lệ người mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng có diễn biến thầm lặng, ít biểu hiện ra ngoài ngày càng cao như ung thư, các bệnh lý tim mạch, các bệnh lý chuyển hoá… Với những bệnh lý này, việc phát hiện sớm ngay từ những dấu hiệu nguy cơ ban đầu là điều rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh cũng như chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả. Ngoài ra, nếu phát hiện bệnh sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng được tăng cao.
Khi thực hiện tầm soát sức khỏe, bạn cũng có thể nắm rõ được tình trạng sức khỏe của bản thân, biết những nguy cơ bệnh lý có thể gặp phải để có thể chủ động phòng ngừa cũng như chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Thực tế, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, điều chỉnh chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý…
Với những lợi ích của việc tầm soát sức khỏe mang lại, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu nhất là từ 6 - 12 tháng/lần.
Tầm soát sức khỏe định kỳ gồm những gì?
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về những danh mục tầm soát sức khỏe định kỳ bắt buộc phải có, bao gồm:
Khám lâm sàng
Các hạng mục thăm khám lâm sàng và kiểm tra thể lực gồm có:
-
Đo chiều cao;
-
Cân nặng;
-
Tính chỉ số BMI;
-
Kiểm tra mạch;
-
Đo huyết áp;
-
Các số đo cơ thể…
Thêm vào đó, bác sĩ cũng tiến hành khám tổng quát nhằm đánh giá sơ bộ các hệ cơ quan quan trọng trong cơ thể như hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch, thận - tiết niệu, cơ - xương - khớp, tiêu hoá…
Sau khi được khám lâm sàng, người khám sẽ được chỉ định khám các chuyên khoá cụ thể hơn.
Khám mắt
Khám mắt bao gồm nhiều bài kiểm tra thị lực, đo thị lực dưới kính hiển vi nhằm đánh giá khả năng nhìn của hai mắt.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ điện tử, số người gặp phải các bệnh lý về mắt nói chung và vấn đề về thị lực nói riêng rất phổ biến. Khi đi khám, bác sĩ có thể đánh giá tốt về các nguy cơ mắc bệnh tật ở mắt để điều trị kịp thời hay thay đổi lối sống lành mạnh nhằm ngăn ngừa bệnh.
Khám tai mũi họng
Tai mũi họng là các bộ phận có mối liên hệ mật thiết với nhau, thường gây ra các nhóm bệnh lý liên quan nên được sắp xếp vào một nhóm để thăm khám.
Mặc dù các bệnh lý về tai mũi họng thường không quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh hay tái phát lại và kéo dài liên tục nếu không được điều trị tốt. Vì thế, khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường trong quá trình khám tổng quát, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị ngay từ sớm.
Khám răng
Chăm sóc sức khỏe răng miệng là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Việc kiểm tra sức khỏe răng miệng sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý như hôi miệng, nha chu, sâu răng, vôi răng, viêm tuỷ…
Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ tư vấn về cách chăm sóc, vệ sinh và bảo vệ răng miệng đúng cách trong trường hợp bạn đang không thực hiện tốt.
Khám da liễu
Khám da liễu là một trong những vấn đề cần được kiểm tra trong khám kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Khám da liễu sẽ giúp phát hiện ra các vấn đề liên quan đến da như viêm da, dị ứng, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…
Khám phụ khoa
Ở nữ giới, việc khám phụ khoa với mục đích phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm đường sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư vú…
Ở nam giới, việc khám nam khoa để kiểm tra về sức khỏe sinh sản và chủ động phòng ngừa những bệnh lý có thể gặp phải.
Bên cạnh những hạng mục được nêu trên, khi tầm soát sức khỏe định kỳ, người khám cũng được làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra các chỉ số sức khỏe và đưa ra đánh giá cho tình trạng sức khỏe chung.
Dựa vào các kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể tư vấn và đưa ra lời khuyên thích hợp để cải hiện hoặc điều trị nếu cần thiết.
Những đối tượng nào nên tầm soát sức khỏe định kỳ?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nên chủ động đi tầm soát sức khỏe định kỳ ít nhất là 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần nhằm phát hiện sớm nhất các nguy cơ tiềm ẩn hoặc bệnh lý mới khởi phát.
Việc phát hiện sớm các bệnh lý ở giai đoạn đầu không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giúp làm giảm phần lớn chi phí khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sau này.
Theo Luật an toàn - vệ sinh lao động, việc khám sức khỏe định kỳ cũng nằm trong quy định sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và cơ quan đoàn thể. Theo đó, người lao động cần được khám sức khỏe định kỳ ít nhất là 1 năm/lần. Đối với những người làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, lao động nặng thì cần phải được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 6 tháng/lần, thậm chí cần thăm khám chuyên sâu hơn.
Chi phí khám sức khỏe tổng quát là bao nhiêu?
Chi phí cho việc khám sức khỏe tổng quát bao nhiêu cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, chi phí thăm khám còn phụ thuộc vào từng đối tượng và cơ sở khám chữa bệnh. Bạn có thể tham khảo bảng giá dưới đây, cụ thể là:
-
Tầm soát sức khỏe cho học sinh và sinh viên: Chi phí thường dưới 400.000 đồng.
-
Tầm soát sức khỏe cho du học sinh hoặc người xuất khẩu lao động: Chi phí dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng.
-
Tầm soát sức khỏe để thi bằng lái xe hoặc khám sức khỏe để đi làm: Chi phí dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.
-
Tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ: Chi phí dao động từ 2 - 5 triệu đồng, tuỳ thuộc vào danh mục kiểm tra và cơ sở thăm khám.
Ngoài ra, có nhiều gói khám sức khỏe chuyên sâu hơn nhằm phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm thì chi phí sẽ cao hơn.
Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế thường cung cấp cá gói kiểm tra sức khỏe tổng quát dành cho cá nhân hoặc cơ sở doanh nghiệp với chi phí không giống nhau. Do đó, bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn cho bản thân gói khám phù hợp nhất.
Tóm lại, tầm soát sức khỏe định kỳ là việc làm rất cần thiết và quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu hơn về lợi ích của việc khám tổng quát cũng như nắm được các danh mục cần kiểm tra định kỳ.