Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bị hút thuốc lá thụ động hoặc người mẹ hút thuốc lúc mang thai sẽ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm, bé gái có kinh nguyệt, bé trai vỡ giọng sớm hơn.
Thông tin trên được các chuyên gia nhi khoa đưa ra trong Hội nghị Nhi khoa Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ X do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 10-4 tại Hà Nội.
Dậy thì sớm ngày càng tăng
Báo cáo tại hội nghị, BS Cấn Thị Bích Ngọc, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết dậy thì sớm là hiện tượng trẻ xuất hiện các đặc điểm hình thể và hormone ở lứa tuổi sớm hơn bình thường.
Ở trẻ gái phát triển tuyến vú, xuất hiện lông mu trước 8 tuổi, kinh nguyệt trước 10 tuổi. Ở trẻ trai thể tích tinh hoàn tăng và có lông mu trước 9 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị cho những trẻ mới 6-7 tuổi đã có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển. Trẻ gái có biểu hiện dậy thì sớm nhiều hơn bé trai.
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ dậy thì sớm được ghi nhận tăng dần qua các năm. Giai đoạn từ năm 2018 - 2021 có khoảng gần 700 trẻ dậy thì sớm, giai đoạn 2021 - 2024 tăng gần gấp đôi với 1.200 trẻ.
Theo BS Ngọc, nguyên nhân và tín hiệu dậy thì sớm hiện vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có một số yếu tố ảnh hưởng tới dậy thì sớm bao gồm cả yếu tố môi trường và nội sinh.
Trong đó, thuốc lá tác động đến quá trình dậy thì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bị hút thuốc lá thụ động hoặc mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai sẽ tăng dậy thì sớm, bé gái có kinh nguyệt, bé trai vỡ giọng sớm.
Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Tại 11 nghiên cứu trên 4.841 đối tượng thì trẻ gái béo phì có tỉ lệ dậy thì sớm cao hơn nhóm cân nặng bình thường.
Một số trẻ dậy thì sớm do nguyên nhân nội sinh như tổn thương hệ thần kinh trung ương do bẩm sinh hoặc mắc phải. Trong đó, phổ biến là khối u não, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, xuất huyết não.
Có thể điều trị dậy thì sớm
Chia sẻ tại hội nghị, GS Seema Kumar, Bệnh viện Mayo Clinic (Hoa Kỳ), cho hay trong các yếu tố quyết định thời điểm dậy thì do yếu tố di truyền chiếm 50-75%. Ngoài ra còn do chủng tộc, thể trạng và dinh dưỡng. Trẻ cần được điều trị dậy thì sớm khi dậy thì tiến triển nhanh, dự tính ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành. Theo ông, trẻ dưới 6 tuổi sẽ có hiệu quả tốt nhất.
BS Ngọc cũng khuyến cáo khi trẻ có các biểu hiện dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra.
Trẻ được đánh giá mức độ dậy thì qua đánh giá tuổi xương, siêu âm tử cung, buồng trứng, siêu âm thận kiểm tra có bất thường hay không. Ngoài ra, trẻ còn được tiến hành chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm hormone sinh dục.
Khi trẻ bị dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ điều trị với mục tiêu ức chế phát triển tuyến vú, lông mu, cốt hóa tuổi xương, bình thường tốc độ tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Thuốc điều trị dậy thì sớm cũng ức chế phát triển tử cung.
Trẻ dậy thì sớm có thể dẫn đến những hậu quả như cốt hóa xương sớm dẫn tới bị lùn hơn khi trước thành. Trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục, quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, phá thai khi quá nhỏ tuổi. Ngoài ra, cơ thể thay đổi nhanh hơn các bạn dẫn đến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc tâm lý.
Ngoài chuyên đề về nội tiết ở trẻ em, các bác sĩ còn báo cáo 7 chuyên đề về các bệnh lý hô hấp, nội tiết, dị ứng lâm sàng, kháng kháng sinh, nhiễm khuẩn cấp, xử lý sự cố y khoa… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực nhi khoa.